Trước năm 2000, mạng lưới trường lớp của ngành Giáo dục và Đào tạo Cà Mau phân bổ rải rác trên toàn tỉnh, chưa có qui hoạch thành hệ thống cụ thể, tỉ lệ phòng học xây dựng cơ bản còn thấp. Tình trạng bố trí lớp Mẫu giáo gắn với trường Tiểu học và lớp Mẫu giáo dạy Chương trình 36 buổi trong hè còn khá phổ biến. Cấp Tiểu học và THCS còn nhiều điểm lẻ, bố trí rải rác. Thời điểm này cũng chưa có kế hoạch cụ thể và bố trí nguồn vốn riêng cho chương trình theo từng năm, mà chủ yếu là vốn lồng ghép các chương trình khác.


Trường trung học cơ sở Phú Tân, xã Phú Tân, huyện Phú Tân

Khi Kế hoạch xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia được Tỉnh ủy đưa vào Nghị quyết là từ năm 2011 đến năm 2015 tỉnh Cà Mau phải có 321 trường trường đạt chuẩn Quốc gia trong đó có 80 trường mầm non, 156 trường tiểu học, 78 trường THCS và 07 trường THPT. Thực hiện Nghị quyết của Tỉnh uỷ, Chính quyền các cấp triển khai thực hiện dựa trên các tiêu chuẩn cụ thể theo quy định, tiến hành rà soát, thống kê và tự đánh giá các nhà trường trên địa bàn theo từng tiêu chuẩn, để từng bước có kế hoạch xây dựng và phát triển trường đạt chuẩn cho địa phương mình. Quá trình triển khai, các đơn vị, trường học đã chủ động xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện để đạt theo từng tiêu chuẩn ban hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Bên cạnh đó, người dân trong tỉnh rất đồng tình, ủng hộ địa phương trong việc thực hiện tiêu chí xã hội hóa như: hiến đất, tặng cây cảnh, trồng cây xanh.. để giúp cho các trường đạt được các tiêu chuẩn quy định.
 
Qua đó, đến nay, trên địa bàn tỉnh có 139 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia, đạt 43,30% so với kế hoạch đến 2015, trong đó Mầm non: 25 trường; Tiểu học 85 trường; THCS 28 trường; THPT 01 trường. Nhằm nâng cao chất lượng, đổi mới phương pháp giáo dục dạy và học, đồng thời góp phần hoàn thành chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra.

Tuy nhiên, do thiếu kinh phí nên việc xây dựng trường đạt chuẩn trong thời gian tới dự báo gặp nhiều khó khăn thách thức. Hiện có toàn tỉnh có 100/321 trường học đã đạt 4 tiêu chuẩn (1, 2, 3, 5), còn thiếu tiêu chuẩn 4 (cơ sở vật chất) nên chưa được công nhận trường đạt chuẩn. Ngoài ra, đặc điểm địa lý khác nhau nên không đồng nhất về diện tích giữa các trường ở thành thị và các trường ở nông thôn. Ở nông thôn có đủ diện tích thì lại thiếu các tiêu chuẩn về chất lượng giáo dục, giáo viên, cơ sở vật chất... Còn ở thị trấn, thành phố hầu như đã đạt các chuẩn nhưng lại thiếu diện tích nên không đạt chuẩn, hiện nay đây là vấn đề nan giải nhất trong công tác chỉ đạo xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Mặc dù đã được quan tâm đầu tư của các cấp lãnh đạo từ tỉnh đến cơ sở và cộng đồng xã hội nhưng nhiều trường vẫn chưa khắc phục được khó khăn này. Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền, ban giám hiệu nhà trường một số nơi chưa thật sự quan tâm đến công tác xây dựng trường ĐCQG, còn mang tâm lý trông chờ vào cấp trên, thiếu chủ động. Công tác xã hội hóa hiện gặp nhiều trở ngại do tình hình đời sống ngày càng khó khăn.


Nhiều trường được công nhận đạt chuẩn Quốc gia trước đây đến nay đã xuống cấp cần được duy tu, sửa chữa

Ngoài ra, nguồn vốn đầu tư cho xây dựng trường ĐCQG chưa đáp ứng yêu cầu thực tế của địa phương. Theo báo cáo của Sở KH&ĐT thì năm 2013 toàn tỉnh được bố trí 45 tỷ để thực hiện xây trường đạt chuẩn. Tuy nhiên, hiện nay nhu cầu vốn của các địa phương là rất lớn. Trong năm 2013, huyện U Minh cần 24 tỷ để xây dựng 4 trường THCS đạt chuẩn, huyện Cái Nước cần 27 tỷ để xây 04 trường THCS đạt chuẩn, huyện Đầm Dơi cần 17,5 tỷ để xây dựng 05 trường THCS đạt chuẩn…. Một khó khăn khác nữa là theo phân cấp quản lý huyện phân bổ ngân sách xây dựng trường mẫu giáo và tiểu học đạt chuẩn, tỉnh phân bổ ngân sách xây dựng trường THCS đạt chuẩn, tuy nhiên ngân sách huyện còn hạn hẹp nhưng suất đầu tư cho các trường mẫu giáo và tiểu học lớn nên thời gian tới việc xây dựng trường đạt chuẩn gặp nhiều khó khăn, năm 2013 huyện U Minh cần hơn 18 tỷ để xây dựng 05 trường mẫu giáo và tiểu học đạt chuẩn, tương ứng huyện Đầm Dơi cần hơn 42 tỷ để xây dựng 10 trường… Mặt khác, hiện nay trên địa bàn tỉnh có nhiều trường đã được công nhận đạt chuẩn nhiều năm trước đây, đến nay đã xuống cấp, tuy nhiên không có kinh phí để duy tu, nâng cấp, sửa chữa để tiếp tục tiến tới công nhận đạt chuẩn Quốc gia mức độ 2.

Tình hình kinh tế, đời sống xã hội ngày một khó khăn, để hoàn thành đạt chỉ tiêu theo Nghị quyết của Tỉnh ủy đến năm 2015, thời gian tới việc xây dựng trường đạt chuẩn Quốc gia trên địa bàn tỉnh rất cần sự chung tay vào cuộc của toàn xã hội để sự nghiệp giáo dục tỉnh nhà ngày càng phát triển, qua đó, cùng cả nước đào tạo nguồn nhân lực cho tương lai góp phần xây dựng quê hương ngày càng phồn vinh, giàu đẹp.

Thanh Mộng

Nhận xét

Bài liên quan